CÁC GIẢI PHÁP Nâng cao sức khoẻ cho người cao tuổi
- VUI KHỎE TUỔI LÃO NIÊN
- Thứ năm - 01/01/1970 08:00
Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của người thân trong gia đình và cộng đồng, qua những hoạt động chăm sóc cụ thể.
Do tâm sinh lý của người già có nhiều sự khác biệt nên việc chăm sóc cũng phải phù hợp với đặc điểm của quá trình lão hóa đó. Ngoài yếu tố rất quan trọng là dinh dưỡng hợp lý ra, người già còn cần được chăm sóc nhiều mặt khác để cuộc sống có chất lượng.
Các giải pháp giúp cải thiện vấn đề sức khỏe hiện nay của người cao tuổi, bao gồm 08 nội dung sau:
1. Duy trì tập thể dục, thể thao (luyện tập thể lực)
Ở người già thường có sự giảm dần về sức mạnh cũng như khả năng chịu đựng của cơ xương, cơ tim.
Lối sống tĩnh tại, ít vận động càng làm cho sự suy giảm này diễn ra nhanh hơn và làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong.
Duy trì tập thể dục, thể thao (luyện tập thể lực) đều đặn làm tăng cường sức khoẻ, làm cho người già sống lâu hơn, hạn chế mắc các bệnh tim mạch, góp phần làm giảm cân nặng trong trường hợp thừa cân, chống loãng xương, cải thiện cơ lực và các hoạt động chức năng, cải thiện về mặt tâm lý.
Chế độ luyện tập cho người già nên được thực hiện đều đặn từ 3-5 ngày một tuần, mỗi lần khoảng 20-60 phút.
Mức độ luyện tập nên vừa phải vì khả năng gắng sức tối đa ở người già thường bị suy giảm.
Hơn nữa người già thường có các bệnh mạch vành, bệnh thoái hoá xương khớp. Người thân nên hướng dẫn cho người già cách tự theo dõi và phát hiện các triệu chứng của bệnh mạch vành, cao huyết áp và phải biết ngừng luyện tập ngay nếu thấy các triệu chứng này xuất hiện.
Hiện nay có rất nhiều môn để luyện tập như là: đi bộ, thái cực quyền dưỡng sinh, cầu lông, bóng bàn .v.v. Người già nên chọn một môn thích nhất, dễ thực hiện, thuận tiện và không tốn kém.
Đi bộ nhanh và các bài tập nhẹ rất thích hợp với người già.
Thái độ động viên, khuyến khích của những người xung quanh cũng rất quan trọng đối với việc duy trì hoạt động thể lực đều đặn ở người già.
2. Không hút thuốc lá
Trong số các yếu tố nguy cơ thì hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở người già do hút thuốc, gây hầu hết các vấn đề về hô hấp ở người già, gây nhiều loại ung thư.
Hút thuốc cũng là nguyên nhân quan trọng gây bệnh mạch vành, tạo điều kiện thuận lợi gây loãng xương.
Mặc dù biết ích lợi của việc cai thuốc nhưng hầu hết những người hút thuốc rất khó cai do các triệu chứng khi cai thuốc như thèm nicotin, cáu kỉnh, chán ăn, lo âu, bồn chồn, khó tập trung và do thiếu động lực.
Việc cai thuốc mang lại ích lợi cho sức khoẻ và tuổi thọ của người già. Không bao giờ là quá muộn để cai thuốc. Tuy nhiên nếu không thể cai được thì ít nhất cũng phải giảm bớt.
Để hạn chế việc hút thuốc, ngoài việc dùng các thuốc thay thế nicotin, có nhiều cách khác giúp việc cai thuốc dễ dàng hơn, ví dụ: tránh các tình huống làm cho người ta muốn hút thuốc và giúp người già tránh căng thẳng bằng các biện pháp thư giãn.
3. Hạn chế uống rượu, bia
Uống rượu quá mức làm tăng nguy cơ bị các bệnh như bệnh cơ tim, xơ gan, viêm teo dạ dày, viêm tuỵ mãn, bệnh thần kinh ngoại vi và sa sút tâm thần, ngã, tai nạn, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch và ngộ độc.
Ở người già, ngộ độc rượu có thể xảy ra chỉ với một lượng nhỏ do tình trạng giảm chuyển hoá vì tăng khối mỡ trong cơ thể, khả năng chuyển hóa của gan cũng giảm và tăng nhạy cảm của não với tác dụng của rượu.
Cần chú ý rằng các triệu chứng ngộ độc rượu có thể dễ nhầm với các bệnh và những thay đổi thể lực khác ở người già. Nhiều biểu hiện của nghiện rượu như giảm trí nhớ, mất thăng bằng, hay ngã và ốm yếu có thể bị bỏ sót ở người già.
4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nhằm phát hiện các bệnh tật thường gặp là một bước quan trọng để nâng cao sức khoẻ. Nhiều bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh ung thư như: ung thư vú, cổ tử cung, đại tràng và tuyến tiền liệt có thể được phát hiện trong quá trình kiểm tra sức khoẻ , giúp cho việc điều trị sớm đạt hiệu quả cao hơn.
Khoảng 50% tất cả các trường hợp ung thư vú xảy ra ở người già trên 65 tuổi. Do đó tất cả các phụ nữ phải được hướng dẫn cách tự kiểm tra vú của mình và phải làm ít nhất là 1 tháng 1 lần.
Rối loạn đại tiện, táo bón mới xuất hiện, đi ngoài có máu, chán ăn, sút cân, thiếu máu, đau bụng... là các biểu hiện của ung thư đại tràng. Thăm khám trực tràng và xét nghiệm phân tìm máu khi khám sức khoẻ định kỳ là cần thiết ở người già.
Ngoài ra cũng cần kiểm tra định kỳ các vấn đề về thị lực, thính lực, răng và xương khớp ở người già.
Nhân viên y tế và những người xung quanh cần giải thích để người già hiểu rằng việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ tuy đòi hỏi kinh phí và thời gian nhưng về lâu dài là một biện pháp cực kỳ có hiệu quả.
Một số nội dung cần thiêt khi đi KSK định kỳ:
+ Đo chiều cao, cân nặng: Thực hiện mỗi năm một lần, có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe chung toàn cơ thể, phát hiện bệnh béo phì hoặc tình trạng suy dinh dưỡng, loãng xương. Hàng năm, chiều cao của người cao tuổi giảm dần, lưng còng thêm thì điều đầu tiên phải nghĩ tới là bệnh loãng xương.
+ Đo huyết áp: Là cách đơn giản nhưng hữu ích cho việc chẩn đoán bệnh tăng huyết áp. Người có số đo huyết áp >140/90 mmHg là bị bệnh tăng huyết áp. Bạn nên ghi lại số đo huyết áp mỗi lần đo để theo dõi.
+ Chụp X-quang phổi: Bệnh lý mạn tính của phổi chiếm từ 50% đến hơn 70% ở người cao tuổi. Người bệnh nên làm xét nghiệm thông thường này để có thể phát hiện, phòng ngừa, điều trị sớm bệnh viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…
+ Điện Tâm đồ: Đo điện tim hằng năm là rất cần thiết. Nếu bệnh được phát hiện sớm để theo dõi, điều trị thì người cao tuổi vẫn có thể có cuộc sống khỏe mạnh.
+ Đo mật độ xương: Nên làm ở người trên 60 tuổi, người thấp nhỏ, phụ nữ sau mãn kinh, người hay phải dùng thuốc corticoid. Uống viên canxi, tăng cường vận động cơ thể, ngưng hút thuốc lá có thể phòng tránh được bệnh loãng xương…
+ Siêu âm: Thông qua siêu âm, có thể phát hiện được nhiều bệnh, hoặc hướng tởi chẩn đoán được nhiều bệnh cho NCT như: Phì đại TTL; U nang buồng trứng,; U nang tuyến vú; U xơ tử cung; Sổi thận; Sỏi mật, U tuyến giáp, gan nhiễm mỡ, U tuyến tụy .v.v.
+ Thăm trực tràng (nội soi trực tràng): Ung thư đại trực tràng hầu hết xảy ra ở những người tuổi 50 trở lên. Đó là lý do vì sao người lớn tuổi nhất thiết phải đi nội soi đại tràng để có những phát hiện kịp thời.
5. Đề phòng tai nạn
Hầu hết những tai nạn ở người già đều liên quan cách này hay cách khác với những thay đổi do tuổi tác, nhất là ở các giác quan và hệ cơ xương, như: mắt kém, tai kém, giảm cảm giác sờ và nhiệt độ, mất thăng bằng, tư thế bất thường, các cơ yếu, và phối hợp kém.
Tai nạn thường gây đau, chấn thương, làm mất khả năng hoạt động chức năng, phải bất động dài ngày với những biến chứng nguy hiểm. Sợ ngã làm cho người già không dám đi đâu, và mất khả năng sống độc lập.
Bỏng và ngã là các loại tai nạn hay gặp nhất ở người già. Ngoài ra có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ ngã và tai nạn ở người già như: suy giảm trí nhớ, sa sút tâm thần, lú lẫn, các bệnh mạn tính, chấn thương về tình cảm.
Do vậy hầu hết các tai nạn đều có thể phòng tránh được bằng cách cải thiện độ an toàn của môi trường sống, bao gồm: sơn màu sắc khác nhau để người già dễ nhận biết; lấy bỏ những vật cản trên đường đi lại; đảm bảo đủ ánh sáng; dùng giày dép phẳng; gắn các tay vịn ở những chỗ hay ngã .v.v.
6. Dinh dưỡng tốt giúp chế ngự bệnh tật
Ví Người có tuổi như "Chuối chín cây", cơ thể ngày một yếu dần, tính tình, khẩu vị cũng bỗng nhiên thay đổi. Vì thế, NCT cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để có sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh cơ hội xâm nhập.
Thức ăn cho người cao tuổi cần đa dạng, giàu dưỡng chất, chế biến dưới dạng mềm, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Nếu ăn cháo tốt nhất nên ăn cháo đậu xanh, đậu đỏ, đậu ván...
Người cao tuổi nên ăn món súp, món hầm, tốt nhất dùng cà rốt, khoai tây, đậu, nấm các loại. Nếu ăn canh, nên ăn rau ngót, rau dền, hoa thiên lý, đu đủ, cải xoong, bí đao. Nếu ăn cá nên ăn cá lóc, cá bống và các loại cá nhiều nạc, ít mỡ dưới dạng nấu canh chua…
Người cao tuổi nên dùng cá thay thịt; khuyến khích dùng sữa tươi, sữa chua (yaourt): 250ml sữa tươi (hoặc 2 hũ yaourt) cung cấp 300mg canxi mỗi ngày.
Khẩu phần ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no một lần. Bữa tối không nên ăn quá muộn, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, có thể tạo tiền đề cho tai biến mạch não, mạch vành.
7. Giấc ngủ ngon là "thuốc tiên"
Người già thường bị khó ngủ, đi tiểu đêm nhiều lần, dễ tỉnh giấc và khó ngủ lại. Rối loạn giấc ngủ khiến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ suy giảm đáng kể, dẫn đến suy nhược cơ thể và tinh thần. Vì vậy, nên tập cho người cao tuổi thói quen ngủ và dậy vào khung giờ nhất định, giữ không gian ngủ yên tĩnh, thoáng đãng, ít ánh sáng.
Đối với những người mắc chứng tiểu đêm nhiều lần, con cháu có thể cho dùng bỉm hoặc tấm lót dưới để bảo đảm vệ sinh và giúp họ không bị thức giấc nhiều lần.
8. Phát hiện bệnh mạn tính không lây:
Bệnh mạn tính không lây ở NCT rất đa dạng, thường gặp nhất là các bệnh: Tăng huyết áp, Đái tháo đường, COPD .v.v. và Ung thư các loại. Việc phát hiện bệnh mạn tính không lây thông qua KSK định kỳ cho NCT; hoặc qua các triệu chứng bất thường của bệnh mà bản thân NCT thông báo với người thân , với thầy thuốc.
Yếu tố thuận lợi gây ra b ệnh mạn tính: Do sự tác động lâu dài của các yếu tố (Các độc tố, quá tải chức năng, tuổi tác, thói quen sinh hoạt, tâm sinh lý…) đến cơ thể gây suy giảm, thoái hóa, rối loạn các chức năng sống của cơ thể.
Nguyên lý điều trị bệnh mạn tính: Tác động tích cực giúp cơ thể phục hồi các chức năng sống để trở về trạng thái hoạt động bình thường phù hợp với sinh lý, tuổi tác và môi trường sống.
Nguyên tắc chữa trị bệnh mạn tính: Đặc điểm nổi bật trong điều trị bệnh mạn tính là áp dụng những chế độ kiểm soát bệnh lâu dài nhằm phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng sống và hạn chế tối đa biến chứng thực thể và chức năng.
- Nên bắt đầu bằng tập luyện, phục hồi chức năng, thay đổi lối sống dùng thực phẩm chức năng hoặc thuốc có nguồn gốc tự nhiên. Đây là những biện pháp an toàn, không gây tác dụng phụ và phù hợp sinh lý.
- Chỉ dùng thuốc Tây khi thật cần thiết và phải có chỉ định của bác sỹ.
- Nâng cao kiến thức cho người bệnh để tự theo dõi, chăm sóc và kiểm soát bệnh.
- Kết hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh trong việc áp dụng các chế độ điều trị: theo dõi bệnh, chế độ sinh hoạt, tập luyện, điều chỉnh thuốc
Phòng bệnh mạn tính như thế nào: Theo ngạn ngữ cha ông, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đây là giải pháp thông minh và ít tốn kém nhất. Các biện pháp phòng bệnh mạn tính bao gồm:
- Ăn nhiều rau và trái cây cũng như đậu và ngũ cốc.
- Vận động thể lực mức độ trung bình mỗi ngày 30 phút, ít nhất 5 lần mỗi tuần.
- Chuyển từ ăn mỡ động vật bão hoà sang dầu thực vật chưa bão hoà.
- Giảm ăn mỡ, muối và đường.
- Duy trì cân nặng chuẩn (chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 18,5 đến 24,9, tính bằng cách lấy cân nặng tính bằng kilogam chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét).
- Không hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc.
- Có đến 80% bệnh mạch vành, 90% đái tháo đường típ 2 và 1/3 ung thư có thể tránh được nhờ chế độ ăn lành mạnh, tăng vận động thể lực và bỏ hút thuốc.
- Sàng lọc một số ung thư như ung thư đại tràng, tiền liệt tuyến, ung thư vú theo độ tuổi tương ứng