BỆNH SA SÚT TRÍ TUỆ LÀ GÌ?
- CHUYÊN MỤC HỎI - ĐÁP
- Thứ bảy - 25/07/2020 08:00
Bệnh sa sút trí tuệ miêu tả một tập hợp các triệu chứng do những sự rối loạn ảnh hưởng đến não bộ gây ra. Đây không phải là một chứng bệnh cụ thể.
Bệnh sa sút trí tuệ ảnh thưởng đến sự suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện những công việc hàng ngày. Chức năng của não bộ bị ảnh hưởng đủ để gây cản trở đến cuộc sống xã hội hay làm việc bình thường của người bệnh. Dấu hiệu phân biệt của bệnh sa sút trí tuệ là việc mất khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như là hậu quả của tình trạng suy giảm khả năng nhận thức.
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán đây là bệnh sa sút trí tuệ nếu có hai hoặc nhiều chức năng nhận thức bị hư hại một cách đáng kể. Các chức năng nhận thức bị ảnh hưởng có thể bao gồm trí nhớ, kỹ năng ngôn ngữ, việc thông hiểu thông tin, kỹ năng về không gian, khả năng phán đoán và chú ý. Người bị sa sút trí tuệ có thể gặp trở ngại về việc giải quyết vấn đề và kiểm soát các cảm xúc của mình. Họ cũng có thể trải nghiệm những sự thay đổi về cá tính. Các triệu chứng chính xác mà người bị sa sút trí tuệ trải nghiệm tùy thuộc vào khu vực não bộ bị hư hại do căn nguyên gây ra sa sút trí tuệ.
Với nhiều loại bệnh sa sút trí tuệ, một số tế bào thần kinh trong não bộ ngưng không hoạt động, mất liên lạc với các tế bào khác và chết đi. Thường thì bệnh sa sút trí tuệ phát triển không ngừng. Điều này có nghĩa là chứng bệnh này dần dần lan qua não bộ và các triệu chứng của người bệnh ngày càng tệ hại hơn.
Ai là người bị bệnh sa sút trí tuệ?
Bệnh sa sút trí tuệ có thể xảy ra cho bất kỳ người nào, nhưng nguy cơ tăng dần theo tuổi tác. Hầu hết những người bị bệnh sa sút trí tuệ đều là người già, nhưng điều quan trọng cần nhớ là hầu hết người già không bị sa sút trí tuệ. Bệnh này không phải là một phần bình thường trong tiến trình lão hóa nhưng là do chứng bệnh về não gây ra. Trường hợp ít phổ biến hơn là những người dưới 65 tuổi bị sa sút trí tuệ và người ta gọi đó là ‘bệnh sa sút trí tuệ bộc phát sớm hơn’.
Có rất ít hình thức bệnh sa sút trí tuệ do di truyền trong đó một sự đột biến gien cụ thể được phát hiện là nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp bệnh sa sút trí tuệ, các gien này đều không có liên quan, nhưng những người với bệnh sử sa sút trí tuệ trong gia đình có nguy cơ cao hơn.
Các yếu tố cụ thể về sức khỏe và lối sống cũng có vẻ đóng một vai trò trong việc gây nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Những người có các yếu tố rủi ro về tim mạch mà không được điều trị bao gồm chứng cao huyết áp, và cả những người ít hoạt động về thể lực và tinh thần cũng đều có nguy cơ cao hơn.
(Thông tin chi tiết về các yếu tố rủi ro gây ra bệnh sa sút trí tuệ hiện có sẵn tại yourbrainmatters.org.au.)
Nguyên nhân nào gây ra bệnh sa sút trí tuệ?
Có nhiều chứng bệnh khác nhau gây ra bệnh sa sút trí tuệ. Trong hầu hết các trường hợp, các lý do mắc bệnh hiện chưa được phát hiện. Một số hình thức bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất là:
Bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là hình thức phổ biến nhất của bệnh sa sút trí tuệ, chiếm khoảng hai phần ba các trường hợp. Bệnh này làm suy thoái khả năng nhận thức một cách từ từ, thường bắt đầu bằng tình trạng mất trí nhớ.
Đặc điểm tiêu biểu của bệnh Alzheimer là hai sự bất thường trong não bộ - các mảng tinh bột (amyloid plaques) và tình trạng đám rối thần kinh (neurofibrillary tangles). Các mảng tinh bột này là những tảng chất đạm bất thường được gọi là tinh bột beta. Các đám rối thần kinh là một bó sợi nhỏ xoắn vào nhau và cấu thành một chất đạm gọi là ‘tau’. Các mảng tinh bột và các đám rối thần kinh ngăn chặn sự giao tiếp giữa các tế bào thần kinh và khiến cho chúng chết đi.
Hình vẽ minh hoạ não bình thường và não của người bệnh Alzheimer, language là vùng não chi phối ngôn ngữ và memory là vùng não chi phối trí nhớ. Bên dưới là hình chụp cộng hưởng từ của người bình thường – không có teo não (hình A) và bệnh nhân Alzheimer – có teo não nặng (hình B).
Sa sút trí tuệ não mạch (Vascular dementia)
Sa sút trí tuệ não mạch là tình trạng suy giảm nhận thức do sự hư hại các mạch máu trong não bộ gây ra. Tình trạng này có thể do một lần đột quỵ (stroke) gây ra hoặc nhiều lần đột quỵ xảy ra theo thời gian.
Sa sút trí tuệ não mạch được chẩn đoán khi có bằng chứng về bệnh mạch máu trong não bộ và chức năng nhận thức bị suy giảm vốn gây cản trở đến việc sinh hoạt hàng ngày. Các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ não mạch có thể bắt đầu đột ngột sau một cơn đột quỵ hoặc có thể bắt đầu từ từ trong lúc căn bệnh về mạch máu phát triển ngày càng nặng. Các triệu chứng này thay đổi khác nhau tùy thuộc vào vị trí và quy mô của tình trạng hư hại não. Bệnh này có thể ảnh hưởng chỉ một hoặc vài chức năng nhận thức cụ thể nào đó. Bệnh sa sút trí tuệ não mạch có thể xuất hiện tương tự như bệnh Alzheimer, và hiện tượng pha lẫn giữa bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ não mạch tương đối phổ biến.
Bệnh thể dạng Lewy
Đặc điểm tiêu biểu của bệnh thể dạng Lewy (Lewy body disease) là sự hiện diện của các thể dạng Lewy trong não bộ. Thể dạng Lewy là các tảng chất đạm alpha-synuclein bất bình thường phát triển bên trong các tế bào thần kinh. Các tình trạng bất bình thường này xảy ra ở những vùng cụ thể trong não bộ và gây ra những sự thay đổi về cử động, lề lối suy nghĩ và hành vi. Người bị bệnh thể dạng Lewy có thể trải nghiệm những sự thay đổi bất thường về khả năng chú ý và suy nghĩ. Đây có thể là sự thay đổi bất thường từ khả năng hoạt động gần như bình thường tới một sự lẫn lộn nghiêm trọng trong một khoảng thời ngắn. Tình trạng ảo giác cũng là một triệu chứng bình thường.
Ba hình thức rối roạn chồng chéo lên nhau có thể bao gồm trong bệnh thể dạng Lewy:
• Bệnh sa sút trí tuệ với thể dạng Lewy
• Bệnh Parkinson
• Bệnh sa sút trí tuệ Parkinson
Khi các triệu chứng liên quan đến sự cử động xuất hiện trước, bệnh Parkinson thường được chẩn đoán. Khi bệnh Parkinson phát triển, hầu hết mọi người sẽ bị bệnh sa sút trí tuệ. Khi các triệu chứng về sự nhận thức xuất hiện trước, tình trạng này được chẩn đoán là bệnh sa sút trí tuệ với thể dạng Lewy.
Đôi khi bệnh thể dạng Lewy xảy ra cùng lúc với bệnh Alzheimer và/hoặc bệnh sa sút trí tuệ não mạch.
Bệnh sa sút trí tuệ tiền đình thái dương
Bệnh sa sút trí tuệ tiền đình thái dương (frontotemporal dementia) bao gồm tình trạng hư hại ngày càng tăng đối với thùy tiền đình và/ hoặc thái dương của não bộ. Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện khi người bệnh bước vào lứa tuổi 50 hoặc 60 và đôi khi sớm hơn. Có hai hình thức xuất hiện chính của bệnh sa sút trí tuệ tiền đình thái dương: tiền đình (liên quan đến các triệu chứng về hành vi và sự thay đổi cá tính) và thái dương (liên quan đến tình trạng suy giảm về ngôn ngữ). Tuy nhiên, hai hình thức này thường pha lẫn với nhau.
Vì thùy thái dương của não bộ kiểm soát sự phán đoán và hành vi cư xử xã hội, người bị bệnh sa sút trí tuệ tiền đình thái dương thường có những những khó khăn trở ngại trong việc duy trì các hành vi thích hợp với xã hội. Họ có thể trở nên thô lỗ, lơ là với các trách nhiệm bình thường, hoạt náo không ngừng nghỉ hay lập đi lập lại, hung hăng, tỏ vẻ không có sự kềm chế hoặc hành động một cách bốc đồng.
Có hai hình thức bệnh sa sút trí tuệ tiền đình thái dương hay biến thể ngôn ngữ. Tình trạng sa sút trí tuệ Ngữ nghĩa (Semantic dementia) liên quan đến việc đánh mất ý nghĩa của từ ngữ một cách từ từ, thấy khó tìm các từ ngữ thích hợp và nhớ tên mọi người, và khó hiểu được ngôn ngữ. Tình trạng mất thông thạo ngôn ngữ ngày càng tăng (progressive non-fluent aphasia) ít phổ biến hơn và ảnh hưởng tới khả năng nói trôi chảy.
Đôi khi bệnh sa sút trí tuệ tiền đình thái dương còn được gọi là tình trạng thoái hóa thùy tiền đình (FTLD) hay bệnh Pick.
Có phải là bệnh sa sút trí tuệ không?
Có một số bệnh trạng gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh sa sút trí tuệ. Thường thì các bệnh trạng này có thể điều trị được. Các bệnh trạng này bao gồm tình trạng thiếu hụt một số sinh tố (vitamin) hay nội tiết tố (hormone), trầm cảm, phản ứng của thuốc, nhiễm trùng và bướu trong não.
Điều quan trọng là việc chẩn đoán y khoa ở giai đoạn sớm cần được tiến hành khi các triệu chứng mới xuất hiện để chắc chắn là người bị một bệnh trạng có thể điều trị nào đó được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu các triệu chứng là do bệnh sa sút trí tuệ gây ra, việc chẩn đoán sớm có nghĩa là người bệnh nhận được sự hỗ trợ, thông tin và thuốc men sớm nếu các phương thức điều trị này có sẵn.
Các dấu hiệu từ sớm của bệnh sa sút trí tuệ là gì?
Các dấu hiệu từ sớm của bệnh sa sút trí tuệ có thể rất khó thấy, mơ hồ và có thể không xuất hiện một cách rõ ràng ngay. Một số triệu chứng thông thường có thể bao gồm:
• Mất trí nhớ thường xuyên và ngày càng tăng
• Lẫn lộn
• Thay đổi cá tính
• Hờ hững và thu mình
• Mất khả năng thực hiện những công việc hàng ngày
Có thể làm gì để giúp đỡ?
Hiện nay hầu hết các hình thức bệnh sa sút trí tuệ đều chưa có phương cách chữa trị dứt. Tuy nhiên, một số loại thuốc được nhận thấy là giúp làm giảm bớt các triệu chứng. Sự hỗ trợ là điều quan trọng cho người bị bệnh sa sút trí tuệ, và sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè cũng như người chăm sóc có thể tạo được một sự khác biệt tích cực trong việc kiềm chế bệnh trạng này.
(Dementia Australia ©2017)